Văn hóa cà phê lề đường, cà phê vỉa hè, cà phê cóc… của người Việt!
Nói đến văn hóa cà phê của một đất nước, người ta sẽ nghĩ ngay đến nguồn gốc, lịch sử hình thành phong cách thưởng thức cà phê của đất nước đó. Các quốc gia sử dụng rộng rãi cà phê trong lòng xã hội sẽ hình thành trong nó văn hóa thưởng thức cà phê rất đặc trưng bản xứ. Với người Việt, cà phê vỉa hè được xem là nét văn hóa đặc trưng có giá trị lịch sử.
Ví như văn hóa thưởng thức cà phê của người Nhật có sự từ tốn vừa phải, họ không thưởng thức cà phê vội vã như người Mỹ hoặc quá chậm rãi như người Ý. Dấu ấn nổi bật nhất trong phong cách cà phê Nhật chính là việc sử dụng giấy lọc để pha, cách này làm giảm tốc độ chảy của cà phê nên cho hương vị đậm đặc hơn. Vì người Nhật ưa chuộng cà phê nguyên chất, đậm đà, nồng nàn và thưởng thức gần như trọn vẹn hương vị của một tách cà phê. Họ thường chọn các quán cà phê nhỏ nhưng “chất” là nơi thể hiện rõ nét nhất gu cà phê, họ đến không chỉ để thưởng thức cà phê mà còn để thỏa mãn sở thích hoặc một đam mê nào đó như: nghe nhạc, đọc sách,…
Trong khi ở Ý, cà phê Espresso được pha chế bằng cách dùng nước nóng nén dưới áp suất cao qua bột cà phê được xay rất nhuyễn, bằng phương pháp này cà phê sẽ rất đậm. Và người ta thường cho thêm lên trên mặt một lớp bọt sữa màu nâu để góp phần tạo hương thơm cho cà phê….
Tùy mỗi đất nước, mà văn hóa cà phê vùng miền sẽ mang một nét đẹp rất riêng. Với người Việt văn hóa cà phê mang trong mình là cả một bản sắc đáng tự hào. Cốc cà phê phin truyền thống nổi tiếng thế giới được thưởng thức thật bình thường dung dị trên khắp lề đường, hè phố từ phố lớn đến hẻm nhỏ, bất cứ nơi đâu chỉ cần có cà phê và vài ba chiếc ghế đẩu.
Cà phê đi vào tiềm thức của người Việt không cần phải được thưởng thức ở một cửa hàng cà phê sang trọng mà quan trọng là sự đơn giản, mộc mạc, được tán gẫu với bạn bè, để đọc một tờ báo vào buổi sáng, được chơi một ván cờ hoặc chỉ để lướt mắt theo dòng xe qua lại để chiêm nghiệm cuộc đời… Có thể nói cà phê Việt mang đậm nét hơi thở cuộc sống đương đại của đại bộ phận những người dân lao động chân chất từ thành thị đến nông thôn. Nói đến văn hóa cà phê Việt là người ta nghĩ ngay đến văn hóa cà phê lề đường, cà phê vỉa hè, cà phê cóc, nét văn hóa này đã ăn vào máu thịt của tầng tầng lớp lớp các thế hệ yêu cà phê Việt.
Đặc trưng là những chiếc xe đẩy nhỏ bán đồ giải khát kèm với vài chiếc ghế nhựa dễ dàng bắt gặp ở mọi vỉa hè lớn nhỏ, người ta hoàn toàn có thể thưởng thức một ly cà phê đá tại chỗ hay mang đi trong những lúc vội vã. Trái với ở Sài Gòn, người ta có thể mua một ly đen đá ở bất cứ đâu thì tại Hà Nội cà phê lề đường lại là những quán cóc nằm sâu trong những con hẻm nhỏ.
Một dạng đặc biệt hơn của cà phê hè phố đó là cà phê bệt. Một tấm báo lót ngồi tại công viên thoáng mát và thỏa thích tán dóc với bạn bè với ly cà phê đựng trong cốc giấy.
Không như những quán cà phê 5 sao chỉ phục vụ cho những doanh nhân khó tính hay những tiệm cà phê phong cách nhắm vào các đối tượng khác nhau: tuổi teen, nhân viên công sở hay gia đình; cà phê lề đường dành cho hết thảy mọi người. Không khó để bắt gặp một doanh nhân ăn mặc chỉnh chu đang thưởng thức ly cà phê đen đá bên cạnh một anh lái xe ôm bình dân ở một vỉa hè nào đó. Rồi những lúc tan học, những quán này lại đông đúc bận rộn với các bạn sinh viên. Hay có những cuối tuần, cả gia đình đi chơi công viên, còn gì hơn là những ly nước giải khát từ các xe hàng rong lúc buổi trưa nắng gắt.
Có ai đó nói, một ngày chưa bắt đầu nếu bạn chưa uống cà phê, ừ có lẽ đúng vì không sáng nào là không thấy những anh chị công nhân viên chức bước vào cơ quan với ly cà phê mua vội ở một góc quán quen ven đường. Vì thế, tuy dung dị, nhưng cà phê lề đường lại thu hút mọi đối tượng từ sang trọng đến bình dân, từ trí thức đến lao động chân tay. Họ ngồi cùng nhau, thưởng thức cùng một loại thức uống, mọi khoảng cách dường như xóa nhòa.
Lý do người ta yêu cà phê hè phố rất đơn giản. Đối với một số người đơn thuần đó là cách giải khát tiện lợi và tiết kiệm nhất. Một số khác lại là thói quen, như những nhân viên công sở, tất bật với ổ bánh mì và ly cà phê trên tay cho một ngày làm việc hiệu quả. Còn đối với những người nghệ sĩ hơn, đôi lúc ở một góc phố quen, họ ngồi nhâm nhi ly cà phê ngắm nhìn cái nhộn nhịp vồn vã của cuộc sống trôi qua.
Và như thế, dù bất kì lí do gì đi nữa, người ta vẫn ngày ngày tìm đến cái vỉa hè rộng chưa đầy 3m, để được nhâm nhi cái thức uống quen thuộc, để được tán dóc những câu chuyện thời sự nóng hổi hay chỉ đơn thuần để được “trầm” trong cái xô bồ của cuộc sống ở một không gian cởi mở, bình dị.
Với người Việt văn hóa cà phê hè phố gắn liền bình dị như hơi thở cuộc sống tự bao giờ!
—–X-coffee—
Cà phê đích thực
Để lại một bình luận