Văn hóa cà phê Việt trong tôi
Đối với tôi, cà phê chưa bao giờ là thứ thuộc về đám đông, ồn ào, gấp gáp. Càng một mình, cà phê càng ngon, càng đen, càng đắng, càng sâu. Đó chính là nét văn hóa cà phê Việt trong tôi.
Người ta vẫn nói, uống cà phê không phải chỉ là thưởng thức một thứ ăn chơi, uống cà phê dần dần đã trở thành một nét văn hóa, để đẩy đưa câu chuyện, để lùi xa những phân cấp, để giải tỏa những muộn phiền và để tìm về những ký ức. Ở mỗi nơi mỗi bước chân người đi qua thì sẽ có những câu chuyện để nói về cà phê. Mỗi giọt cà phê tí tách rơi là mỗi giọt chạm vào sâu thăm thẳm của những tâm sự cất kín trong tim. Cô đơn đấy nhưng bên ly cà phê đen sóng sánh, người ta thấy cuộc đời dường như chỉ còn lại một thứ, là lãng du, là phiêu bạt, là đằm mình với hơi thở chậm rãi của thời gian.
Trưởng thành rồi sẽ cô đơn, nhưng trưởng thành rồi người ta lại thấy cuộc đời có những giây phút được cô đơn để nhận ra chính mình lý thú biết nhường nào, cũng như uống cà phê vậy, sau vị đắng đót nơi đầu lưỡi dần dần cảm nhận được vị ngọt thơm dễ chịu lan tỏa khắp toàn thân, thấm vào từng nơron thần kinh làm người ta minh mẫn, thông suốt, dễ chịu.
Nhắc đến cà phê, Sài Gòn có cà phê vợt, Hà Nội có cà phê phin. Dù là cách pha chế khác nhau thì người uống vẫn phải đợi chờ. Đợi chờ không chỉ là một hương vị, mà còn là một nét tinh hoa được chắt chiu, tích lũy qua mỗi giây phút chậm lại với cuộc đời. Đối với người uống cà phê mà nói, sống là phải chờ đợi. Từ một thói quen đối với một sở thích nhỏ bé, người ta dần dần thấy mọi việc trong cuộc sống chỉ cần kiên nhẫn để chờ đợi thì sẽ giảm dần đi rất nhiều những tổn thương. Chờ một giây đèn đỏ, chậm đi vài km tốc độ sẽ bớt đi biết bao tai nạn giao thông. Chờ một phút xếp hàng, có bao nhiêu người không cáu gắt mệt mỏi. Chờ đợi không bao giờ là thiệt thòi, vì cuộc đời vốn chỉ lấy đi những bước chân bước vội chứ không bắt tội những bước chân biết nhường.
Thế rồi, cuộc đời bỗng nhiên nằm gọn trong một tách cà phê. Chỉ là một thứ nước đen đen đắng đắng mà người ta đã ngẫm ra biết bao nhiêu sự đời, những chân lý, những yêu thương và những kỷ niệm. Hóa ra, tưởng chừng uống vào mình thứ nước đen đắng như nước hàng này lại là uống vào cả một cái hồn. Tâm hồn của người nông dân đã vun trồng chăm bón. Tâm hồn của người nghệ nhân đã tính toán chính xác cho mỗi mẻ rang cà phê. Tâm hồn của người nghệ sĩ đã pha chế thành công một tách cà phê tuyệt vời từ hương vị cho đến hình ảnh. Tâm hồn của người lãng khách cô hành thưởng thức.
Cà phê đi vào đời sống của người Việt từ khi người Pháp đặt chân đến nơi đây. Dần dần cà phê đi từ góc khuất đến những nơi sầm uất, đi từ túi tiền của những người giàu sang đến túi tiền khiêm tốn của những người lao động, cà phê trở thành thứ gắn kết tinh thần mạnh mẽ. Chẳng cần biết ông là ai, làm nghề gì, chỉ cần mê cà phê là sáng sáng đều sẽ ngồi trên cái ghế đẩu cũ kỹ được kê bày la liệt trên vỉa hè, chờ được thưởng thức cà phê trong cái cốc thủy tinh cổ lỗ đã ngả vàng, trên đó úp cái phin cũng đã cáu màu bởi cà phê, bởi thời gian, nghe những bản nhạc Trịnh phát ra từ cái loa đài rè rè. Một ngày mới sẽ bắt đầu như thế.
Và cũng có thể người ta sẽ lại kết thúc một ngày bằng cà phê. Nhưng theo cách trầm lắng hơn. Đối với tôi, cà phê chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là thứ thuộc về đám đông, ồn ào và gấp gáp. Càng một mình, cà phê càng ngon, càng đen, càng đắng, càng sâu. Chỉ trong lặng im, người ta mới trải lòng những nỗi niềm thầm kín. Thời buổi mở cửa, cái gì cũng sống nhanh, sống vội, cà phê có lẽ là thứ duy nhất đủ giữ chân người ta lại để mà chờ đợi, để mà suy tư. Bên ly cà phê phin đang tí tách rơi, người ta trải lòng mình trong những tâm sự vui buồn, những ký ức tưởng chừng đã ngủ quên, những cảm xúc tưởng như đã chai sạn trước sóng gió cuộc đời.
Tôi sẽ nhâm nhi cà phê, với những bản nhạc Jazz, có khi là những khúc tình của Trịnh. Có lẽ, chỉ những người đã hiểu nỗi đau, đã thấm nhuần cảm giác chia phôi, đã đau đáu những nỗi niềm cô độc mới có thể tạo ra thứ âm nhạc thích hợp nhất để hòa quyện với chất đắng của cà phê. Đôi khi người ta tìm đến với cà phê không phải bởi vì thích uống mà để tìm một điều gì đó mà người ta nghĩ là đã mất. Nên có những khoảnh khắc, tôi pha cho mình một tách cà phê nóng, ôm nó trong lòng, hít hà mùi hương, nhưng chẳng uống, chỉ là để tìm lại những điều đã trôi về một miền rất xa.
Dẫu sao thì, rượu cho nỗi đau, cà phê cho nỗi buồn, mà nỗi buồn thì uống sao cho hết , cho cạn vơi đáy lòng ngay đâu? Thì hãy cứ từ từ mà sống, cà phê sẽ tan và nỗi buồn rồi sẽ dịu… Cuộc sống đôi khi cũng vui như ta khuấy thìa, nghe tiếng lanh canh của muỗng chạm vào cốc, cà phê đâu chỉ là để uống và nỗi buồn đâu phải chỉ để quên.
Sưu tầm
Để lại một bình luận