Cà Phê Arabica

Cà Phê Arabica

Là loại cà phê hạt hơi dài, được trồng ở độ cao trên 600m, khí hậu mát mẻ, được trồng chủ yếu ở Brazil, và chiếm tới 2/3 lượng cà phê hiện nay trên thế giới.

Cách chế biến mới là điểm tạo ra sự khác biệt giữa Arabica va Robusta. Quả Arabica được thu hoạch, rồi lên men (ngâm nước cho nở…) rồi rửa sạch rồi sấy. Chính vì thế, vị của Arabica hơi chua, và đây cũng được coi là một đặc điểm cảm quan của loại cà phê này. Vì thế, nói đến “hậu vị” của cà phê là có thật, nhưng không phải là vị chua, mà phải chuyển từ chua sang đắng (kiểu socola ý, sau khi nuốt mới là cà phê ngon). Người ta thường ví vị chua đó giống như khi mình ăn chanh, sẽ thấy rất chua, nhưng lập tức thấy được vị đắng của vỏ. Cách cảm nhận vị chua của cà phê cũng như vậy.

ARABICA-2-1

hạt cà phê ARABICA

Có lẽ khi Bá tước Joeffrey de Peyrac nhấm nháp tách cà phê sánh đặc làm niềm hạnh phúc càng thăng hoa theo mùi hương mới thật nồng nàn khi ngắm nhìn nàng Angelique kiều diễm, một cuộc chinh phục ngoạn mục khác đã mau chóng lên ngôi trong nghệ thuật ẩm thực của nhân loại: món uống quý phái Cà phê Arabica đã từ trên lưng lạc đà Ả-rập theo các đoàn caravan và những thương thuyền nhanh chóng vượt ra khỏi các bức tường cung điện vùng Địa Trung Hải lan ra toàn thế giới…

Ngược dòng lịch sử gần 3000 trước, một câu chuyện đầy cảm hứng được mô tả trong Kinh Thánh: nữ hoàng Sheba quyền lực và khôn ngoan vì hâm mộ trí tuệ thông thái của vua Solomon nước Israel, đã mang những sản vật quí báu nhất từ xứ Ethiopia đến Jerusalem làm quà kết tình giao hảo. Biết đâu ngoài số ngọc ngà, gấm vóc, nhũ hương ấy còn một món khác – một sản vật kết tinh từ đất trời làm hưng phấn những cuộc đàm đạo đầy trí tuệ giữa hai con người thông thái ấy? – vì các nhà nghiên cứu tin rằng Ethiopia chính là quê hương đầu tiên của giống cà phê Arabica đắt giá mà giới sành điệu ưa chuộng hôm nay.

Cà phê Arabica không chỉ còn giới hạn trong những mẫu chuyện của quá khứ hay gu thưởng thức của phương Tây xa xôi, mà đang trở nên rất gần với người Việt qua việc xuất hiện của những thương hiệu cà phê với sản phẩm từ hạt cà phê Arabica nguyên chất, làm dấy lên sự quan tâm và bàn luận sôi nổi trong những câu chuyện thời thượng giữa dân sành cà phê tại Việt Nam hiện nay.

Cà phê Arabica trước đây được gọi tên là Jasminum arabicum theo tiếng La-tinh có nghĩa “hương vị Ả rập” và chính thức mang tên khoa học Coffea arabica từ năm 1737. Từ đó loại cà phê hảo hạng ít caffein này đã chinh phục hoàn toàn giới quí tộc Ý, Pháp, Tây Ban Nha, vượt qua những rào cản khắt khe trong nếp sinh hoạt xã hội phương Tây kể cả định kiến giáo hội lúc bấy giờ.

Arabica có thể còn khá mới mẻ đối với những người yêu cà phê Việt Nam vốn quen thuộc với những ly cà phê đen nhánh, sánh đặc cùng hàm lượng caffein rất cao. Arabica đặc trưng có màu nâu cánh gián, vị hơi chua, hàm lượng caffein thấp và mùi hương thì vô cùng quyến rũ. Sự hấp dẫn của cà phê thật ghê gớm đến nỗi từ đó người Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi bữa ăn sáng là kahvalti nghĩa là “trước khi uống cà phê”. Ngày hôm nay vào bất cứ khách sạn quốc tế nào cũng gọi nơi phục vụ ăn sáng là “coffee shop” cho dù nhà hàng ấy có tên riêng hẳn hoi và dĩ nhiên là không chỉ phục vụ cà phê!

 

ARABICA-3-1

cà phê arabica

Chi phí trồng trọt, thu hoạch, rang xay cho tới quá trình pha chế của Arabica đều phức tạp và tốn kém hơn nhiều so với Robusta. Trung bình 1kg cà phê Arabica có giá cao gấp đôi 1 kg Robusta. Chính vì vậy, Arabica được xem là đại diện của dòng cà phê cao cấp mà cả thế giới đang ưa chuộng.

Liệu Arabica có chinh phục được dân ghiền cà phê Việt Nam hay không? Câu trả lời còn ở phía trước. Nhưng thực tế cho thấy hiện nay có rất nhiều người chuyển sang uống cà phê Arabica thay vì cà phê Việt Nam truyền thống với thành phần chủ yếu là Robusta. Họ là những người trẻ, những người quan tâm tới sức khỏe của mình bằng cách hạn chế dung nạp hàm lương caffein vào cơ thể mà vẫn có thể thưởng thức hương vị quyến rũ của cà phê.

 
 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *