Nguồn Gốc Cà Phê
Vào khoảng thế kỷ 6, một loại cây lạ có lá xanh sáng, hoa trắng thơm ngát và quả chín đỏ được phát hiện ở vùng Kaffa – thuộc vương quốc Ả Rập. Những người đầu tiên của bộ lạc du mục nhận thấy dê của mình bỗng chạy nhảy khắp nơi sau khi ăn phải quả của một loại cây lạ. Họ thử nhai và cảm thấy tỉnh táo, sảng khoái. Dần dần, thói quen nhai cà phê phát triển rộng khắp Trung Đông bởi các bộ lạc du cư. Lúc bấy giờ, cà phê được đón nhận như một chất kích thích bởi những nền văn hóa cấm rượu.
Năm 1015, bác sỹ và cũng là nhà triết học Ả Rập tên lbn Sina (Avicenna) đã khám phá ra tác dụng kích thích của coffein và đã sử dụng cà phê làm thuốc chữa bệnh.
Chữ cà phê không phải xuất xứ từ chữ Kaffa (vùng Kaffa) mà từ chữ cổ Ả rập là “qahwah”. Nguồn gốc chữ này dùng để diễn tả rượu và bị cấm đối với những người theo Hồi giáo. Người Thổ nhĩ kỳ gọi là “Kahweh”. Vì tác dụng kích thích, cà phê đã trở thành một loại “rượu của người Hồi giáo“. Thành phố cảng Mokka về sau đại diện cho sản phẩm cà phê Ả Rập đậm đà với tên gọi Mocha.
Đến thế kỷ 13, cà phê Arabica vẫn được nhai sống hoặc xay cùng các loại hạt khác làm cháo. Việc rang cà phê chỉ được phát hiện khi hạt cà phê vô tình rơi vào lửa. Cà phê rang nhanh chóng được phổ biến, trở thành một thứ hàng hóa được yêu chuộng. Sau này người ta khám phá ra nếu rang sau đó đem giã thì chất nước đậm đà và hương vị quyến rũ hơn.
Thế kỷ thứ 15, những địa điểm uống cà phê đầu tiên được xuất hiện tại vùng thánh địa Mecca. Những “quán cà phê đầu tiên” ấy đã trở thành nơi tụ họp, đánh cờ, tán gẫu của mọi người, gây ảnh hưởng đến không khí tôn nghiêm của vùng đất linh thiêng này. Vì vậy, các nhà thông thái của nhà nước Hồi Giáo ra lệnh cấm sử dụng cà phê cũng như đóng cửa tất cả các điểm uống cà phê.
Tuy nhiên, lệnh cấm này nhanh chóng bị bãi bỏ khi họ nhận ra rằng Quốc vương Cairo và hầu hết người Hồi Giáo đều yêu chuộng loại thức uống này. Chính những tiệm cà phê dần trở thành nguồn thuế quan trọng của Nhà Nước.
Các nhà cai trị Ả Rập nhận ra lợi thế độc quyền và xếp cách trồng cà phê vào dạng quốc mật, bảo vệ rất kỹ. Họ cấm xuất khẩu hạt cà phê có khả năng nảy mầm. Cho dù vậy, đến năm 1615, những nhà buôn vẫn đưa cà phê ra khỏi địa phận của người Ả Rập đến với thế giới.
Sự tiếp nhận với Châu Âu
Những người đến từ Châu Âu đã “nghiện” khi khám phá ra hương vị hoàn toàn mới lạ của cà phê. Trong cuốn sách “Chuyến đi về miền đông“ được phát hành vào năm 1582 của Leonahard Rauwolf (người Áo) đã mô tả cách uống của người Ả rập rất tỉ mỉ.
Người Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ tiếp nhận tín ngưỡng tôn giáo mà họ còn học luôn cả cách thưởng thức cafe của người Ả Rập. Vào năm 1554, tại Istanbul một tiệm cà phê lộng lẫy đầu tiên được trang trí với tranh ảnh và thảm quý đã được khai trương. Sau đó, một tiệm cà phê khác xuất hiện tại Damascus Syria. Và cũng chính tại Thổ Nhĩ Kỳ việc rang và pha chế cà phê trở thành nghệ thuật tuyệt hảo.
Năm 1640, tiệm cafe đầu tiên của Châu Âu được khánh thành tại quảng trường Marcus. Ngay cả Giáo Hoàng Clemens VIII khi thưởng thức loại thức uống bốc khói, đầy ắp hương vị này cũng phải tán thưởng: “Loại thức uống này quả là tuyệt vời, hãy biến chúng trở thành một thức uống của người có tín ngưỡng”. Từ đó, cafe có mặt khắp các quốc gia Châu Âu.
Thế kỷ 18, nhu cầu thưởng thức cà phê tăng mạnh trên khắp thế giới. Tuy cuộc hành trình đến với thế giới gặp không ít trở ngại nhưng những giọt đen huyền bí cà phê đã tìm được cho mình một vị trí quan trọng trong đời sống của con người và trở thành mặt hàng nông nghiệp hàng đầu trên thế giới có giá trị lên đến 15 tỷ USD/năm, xuất khẩu cà phê là một mặt hàng quan trọng, đem lại nguồn thu khá lớn cho các quốc gia. Nhiều loại cà phê ngon cùng những bí quyết rang, xay đặc biệt đã đem đến cho người tiêu dùng những ly cà phê thượng hạng, nổi tiếng trên toàn thế giới.
Du nhập vào Việt Nam
Cây cà phê du nhập vào Việt Nam từ năm 1857, được trồng tại một số nhà thờ.
Năm 1888 đồn điền cà phê đầu tiên xuất hiện tại Phủ Quỳ (Nghệ An) và một vài địa phương khác ở phía Bắc.Từ những năm 1920 đến 1925, người Pháp mở thêm nhiều đồn điền cà phê trên vùng đất đỏ Tây Nguyên. Vào thời điểm này, cây cà phê mới có diện tích đáng kể đặc biệt ở Buôn Ma Thuật, Đăklăk.
Để lại một bình luận